Dù có theo đuổi xu hướng thời trang nào đi nữa, chúng ta đều phải công nhận rằng thời trang là một vòng lặp - đó là lý do tại sao 6 mẫu sneakers "đáng tuổi bác" dưới đây vẫn được ưa chuộng, bán được nhiều triệu đôi kể từ khi ra mắt.
Adidas Stan Smith (60 USD) - 1971
Được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1971, adidas Stan Smith đã sớm vượt qua giới hạn của một đôi giày chỉ dành cho việc chơi tennis và trở thành một hiện tượng toàn cầu, đại diện cho phong cách 'sporty' trẻ trung, hiện đại.
Stan Smith - vận động viên quần vợt số 1 thế giới, giành 7 cúp Grand Slam từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Stan Smith - vận động viên quần vợt số 1 thế giới, giành 7 cúp Grand Slam từ những năm 60 của thế kỷ trước đã truyền cảm hứng cho adidas tạo ra mẫu giày mang chính tên của ông. Cũng ít ai biết rằng, Stan Smith là một trong những gương mặt đại diện đầu tiên của adidas.
Với thiết kế nguyên bản, tối giản nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng khi thi đấu, adidas Stan Smith còn có phần cổ giày làm giảm nguy cơ chấn thương dây chằng cho vận động viên. Đây cũng là mẫu giày phá bỏ đi quy luật "bất thành văn" của giày thể thao thời đó: trắng toàn bộ.
Thay vào đó, logo ba vạch được thay thế bằng hàng lỗ đục trên phần da thô mộc, thêm logo adidas Stan Smith trắng trên nền xanh lá cây (lấy cảm hứng từ sân tennis) khỏe khoắn ở cổ giày sau, phần lưỡi gà "Endorsed by Stan Smith" được in chính hình của tay vợt huyền thoại... Chính những chi tiết này đã đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch sử cho toàn thương hiệu.
Tới nay, Stan Smith không thể trẻ mãi, tuy nhiên đôi giày mang tên ông chưa bao giờ bị thế giới lãng quên. adidas Stan Smith đã vượt qua quy chuẩn của giày thể thao thuần túy và trở thành một món đồ "must have" thịnh hành bậc nhất hành tinh: nằm trong top 10 đôi giày vĩ đại nhất với trên 50 triệu đôi được bán ra trên toàn thế giới.
adidas Superstar (80 USD) - 1969
Dòng giày thể thao bất tử, mang tính biểu tượng adidas Superstar được giới thiệu vào năm 1969 dành riêng cho bóng rổ. Trong quá khứ, đôi giày mang "mõm sò" (shell toe) đặc trưng trở thành một trong những yếu tố có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ trong thể thao, thời trang và văn hóa hip-hop của những năm 70s - 80s thế kỷ trước.
Superstar được mặc định là giày bóng rổ chuyên dụng với phần mũi thấp, phần "mõm sò"(shell toe) độc đáo bằng cao su giúp bảo vệ ngón chân khi va chạm
Thiết kế độc đáo của Superstar lúc đó nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều hảo thủ tại giải đấu NBA và NCAA thời bấy giờ. Kareem Abdul-Jabbar là siêu sao đáng chú ý nhất sử dụng nó. Vào giữa thập niên 70, trên 75% của các cầu thủ NBA luôn "trên chân" đứa con cưng của adidas.
Không chỉ thống trị trên những sàn đấu bóng rổ chuyên nghiệp những năm 70s, 80s; adidas Superstar còn lọt vào tầm ngắm của các tín đồ hip-hop, gắn liền với phong cách thời trang đường phố bụi bặm
Năm 1983, adidas Superstar lọt vào mắt xanh của Run D.M.C - một trong những ban nhạc hip-hop đình đám, có ảnh hưởng mạnh mẽ cho tới tận sau này. Run D.M.C "diện" Superstar lên sân khấu bằng cách thả lỏng phần lưỡi gà, không buộc dây giày, "ăn" theo phong cách của dân "anh chị" trong tù.
Nike Air Force 1 90 (USD) - 1982
Được "khai sinh" vào năm 1982 bởi nhà thiết kế Bruce Kilgore, ngay lập tức đôi giày này đã trở thành một ‘hit’ mạnh trên khắp thế giới, bán sạch sẽ (sold out) ngay trong ngày đầu tiên ra mắt.
Tại sao ư? Đây là đôi giày mang tính cách mạng trong giới sneaker, có thể nói đây là mẫu thiết kế đầu tiên được kết hợp với công nghệ. Nike Air Force 1 (AF1) là đôi giày đầu tiên được tích hợp công nghệ ‘air’, một túi khí được bố trí bên trong đế giày để hấp thu lực khi tiếp đất, giảm chấn thương cho bàn chân.
Air unit được bố trí bên dưới gót chân
Nike AF1 ban đầu được tạo ra với mục đích dành riêng cho bộ môn bóng rổ, nhưng dần dần được những ngôi sao giải trí có tầm ảnh hưởng ưa thích và biến chúng thành giày thời trang.
Cái tên Air Force One lấy ý tưởng từ chiếc chuyên cơ dùng cho tổng thống Mỹ.
AF1 có 3 style: low-mid-top (thấp, trung và cao cổ). Với các style Mid-Top chúng ta dễ dàng nhận thấy một cọng dây đeo có khóa hoặc dán tạo sự chắc chắn cho đôi giày và có thể thay đổi tùy phiên bản. Đây cũng là một sự đặc biệt của đôi giày này so với các thiết kế cùng thời.
Một điểm nhận dạng khác của các AF1 là một huy hiệu nhỏ ở giữa dây giày được làm bằng thiếc (ngoài ra có các phiên bản được làm bằng nhựa và bạc) trên đó có khắc dòng chữ ‘AF1′ và con số ‘ “82‘ tượng trưng cho năm ra mắt.
Air Force 1 đã có gần 2000 phối màu, phiên bản khác nhau và con số này vẫn không tăng lên. Tuy nhiên, 2 màu cơ bản all-white và all-black (trắng hoặc đen toàn bộ) vẫn là hai phiên bản thành công nhất và có số lượng sản phẩm bán ra chạy nhất của dòng sản phẩm này.
Hơn 12 triệu đôi là số lượng giày được bán ra trong thời kì đỉnh cao của nó vào năm 2005. Con số này đã phản ảnh sự phổ biến của AF1 trên khắp thế giới. Đến nay, AF1 thu về hơn 800 triệu USD mỗi năm cho Nike. Sự tồn tại của đôi giày này trong 35 năm qua cho ta thấy sự bền vững của AF1 trong trái tim người tiêu dùng.
Air Jordan 1 (95 USD) - 1985
Trước khi bàn qua một chút về Air Jordan 1, hãy ngó qua cái bảng này để biết AJ1 có nhiều phối màu đến thế nào:
Air Jordan là thương hiệu đồ thể thao được thành lập, thiết kế và sản xuất riêng dành riêng cho cầu thủ bóng rổ huyền thoại Michael Jordan bởi một nhánh của Nike với tên thương mại là “Jordan Brand”.
Năm 1984, sau khi giành được một danh hiệu quốc gia tại trường Đại học Bắc Carolina và đoạt một huy chương vàng tại thế vận hội Olympic ở Los Angeles, Michael Jordan được chọn ở NBA Draft bởi đội Chicago Bulls. Cũng vào năm đó, Nike đã kí với Michael một bản hợp đồng trong 5 năm, trị giá bản hợp đồng năm đó lên đến 2.5 triệu đô. Đến năm 1985, Nike đưa Jordan và dòng chữ kí của anh lên đôi giày, thêu logo đặc trưng một cách rõ ràng, điều này giúp cho đôi giày trở nên khác biệt hẳn so với những mẫu thiết kế giày bóng rổ trước đó của Nike.
Nhà thiết kế Peter Moore được giao nhiệm vụ làm nên đôi Air Jordan đầu tiên. Giày Nike Air Jordan I có thiết kế cũng tương tự với một số thiết kế Nike phổ biến khác phát hành năm 1980 như Air Force 1, Terminator hay Dunk, nhưng đặc trưng với dấu Nike Swoosh bên hông, logo Nike Air ở lưỡi gà và đặc biệt là logo Air Jordan “Winged Basketball”. AJ1 sở hữu bộ đệm “Air” ở gót, bộ đệm cổ chân để hạn chế chấn thương khi chơi bóng và thêm một lớp phủ ở đầu ngón chân, tăng độ bám sàn.
Cái giá 95 USD phía trên nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng đó là những phiên bản thường, còn "limited" (giới hạn) thì vừa hiếm lại vừa đắt.
Puma Suede Classic (65 USD) - 1968
Puma Suede - nhắc tới Puma ta không thể nào không nhớ tới cái tên kinh điển đó. Với hướng đi ban đầu là một đôi giày thể thao dành cho bộ môn bóng rổ, nhưng Puma lại muốn có một điều gì đó đột phá và sáng tạo, hơn nữa là sự chú ý từ các khán giả và vận động viên. Thế là ý tưởng về một đôi giày bóng rổ da lộn được ra đời.
Form giày thon gọn đơn giản, màu sắc bắt mắt, cùng hệ thống công nghệ cao su mềm êm ái ẩn trong phần đế chính là tiêu chí số 1 khiến mọi người, mọi nhà, mọi gia đình đều lựa chọn Suede. Đôi giày ấy đến và len lỏi trong nền văn hóa sneakers một cách nhẹ nhàng và từ từ, và rồi chẳng hay từ lúc nào Suede đã trở thành một câu chuyện, một huyền thoại, và là nền văn hóa đặc sắc trong những năm tháng đầu tiên của ngành công nghiệp sneakers.
Converse Chuck Taylor (55 USD) - 1932
Charles “Chuck” Taylor là một ngôi sao bóng rổ đến từ đội Akron Firestones. Một lần, ông tình cờ trông thấy đôi giày All Star, cũng như nhìn ra tiềm năng của Converse. Năm 1921, Chuck Taylor quyết định gia nhập đội ngũ bán hàng của Converse và trở thành huấn luyện viên của đội bóng rổ Converse All Stars trong liên đoàn công ty.
Vừa là một vận động viên giỏi, vừa có đầu óc của người làm kinh tế, gần như cả cuộc đời Chuck Taylor đã cùng thương hiệu Converse mang đôi giày All Star đi khắp nước Mỹ. Sự thần kỳ trong nghệ thuật bán hàng cùng với những chiêu bài tiếp thị độc đáo như: mở các phòng khám chuyên cho vận động viên bóng rổ (Basketball clinic), dạy bóng rổ miễn phí cho trẻ em nghèo, hay thậm chí ông đã tự tay viết cuốn Converse Basketball Yearbooks (Niên giám giày bóng rổ Converve) nhằm tôn vinh văn hóa và giày bóng rổ.
Chuck Taylor đã biến giày Converse All Star trở thành biểu tượng biểu tượng thể thao: khi nói đến giày All Star, người ta sẽ nghĩ ngay đến bóng rổ và ngược lại. Nhờ những thành công vang dội mà vào năm 1932, cái tên “Chuck Taylor” đã được thêm vào logo ở mắt cá giày, cộng thêm những chi tiết thiết kế cổ điển được thay đổi - Converse đã cho ra đời bản nâng cấp của giày All Star với cái tên mới: Converse All Star “Chuck Taylor”, thường gọi với cái tên thân thuộc là “Chuck”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét